Chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành cho rằng cần thêm dữ liệu để nhận định về sức khỏe nền kinh tế, và không nên sớm lạc quan khi thấy những biểu hiện nhất thời trên thị trường chứng khoán hay lỗ lãi của ngân hàng.
> Vượt qua khủng hoảng từ những 'gánh hàng rong' / Việt Nam xuất hàng chục tấn vàng
- Một số ý kiến gần đây cho rằng nền kinh tế đã xuất hiện tín hiệu hồi phục. Theo ông, dấu hiệu của hồi phục kinh tế sẽ thể hiện trước hết ở đâu?Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành. Ảnh: Ngọc Châu
- Người ta nhìn vào các chỉ báo chính để biết rằng sức khỏe của nền kinh tế đang ở mức nào. Một trong số đó là chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI), trong quý I/2009 chỉ số này tại Việt Nam tăng 6 điểm so với quý cuối năm 2008, cho thấy đa số nhà quản lý doanh nghiệp vẫn tin vào gia tăng doanh thu và lợi nhuận trong vòng 12 tháng tới. Tiêu dùng nói chung giảm, nhưng tiêu dùng cá thể trong nước vẫn tăng khá.
Tuy vậy, các chỉ số kinh tế vĩ mô khác chưa thực sự lạc quan. Xuất khẩu trong tháng 3 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhìn vào chi tiết thì thấy là không tăng, mà vẫn đang giảm. Các sản phẩm chiến lược của Việt Nam như dệt may, gỗ, giày dép giảm mạnh, hoặc không tăng. Riêng xuất khẩu đá quý và kim loại có giá trị xuất khẩu bằng gần 5.000% cùng kỳ năm trước. Đúng là Việt Nam xuất siêu, nhưng tái xuất vàng thì không phải là một hoạt động kinh tế đơn thuần. Nhập khẩu giảm xuống, nhưng đáng chú ý là hàng xuất khẩu của Việt Nam có 70-80% nguyên liệu ngoại nhập. Xuất khẩu giảm nên nhập khẩu cũng giảm theo.
Tôi cho rằng cần thận trọng khi nhận định kinh tế đã ra khỏi khủng hoảng hay chưa, và phải nhìn vào các chỉ số, đặc biệt là dữ liệu về sản xuất của các doanh nghiệp.
- Ông nghĩ sao về khả năng hồi phục của kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ có tác động lan tỏa tới Việt Nam, nhất là khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ?
- Chủ tịch FED Ben Bernanke có nói rằng kinh tế Mỹ có khả năng khởi sắc vào cuối năm 2009, nhưng vế thứ hai của nhận định này là "nếu có thể giải quyết tình trạng đóng băng của hệ thống tài chính Mỹ và thế giới".
Khủng hoảng tại Mỹ bắt nguồn từ việc trái phiếu phái sinh được đảm bảo bởi các hợp đồng cho vay bất động sản (mortgage-backed securities) bị mất thanh khoản và trở nên "nhiễm độc", như cách nói của cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson. Tổng giá trị hợp đồng cho vay bất động sản tại Mỹ lên đến 12.000 tỷ USD. Để bảo hiểm nguy cơ xảy ra nợ xấu, các nhà đầu tư các sản phẩm phái sinh này mua hợp đồng Bảo đảm nợ xấu (Credit Default Swap - CDS). Đến cuối tháng 6/2008, tổng giá trị hợp đồng CDS bên Mỹ là 35.000 tỷ USD, trong khi GDP Mỹ là 14.700 tỷ. Thị trường CDS đem lại lợi nhuận khổng lồ nhưng đã khiến thị trường tín dụng sụp đổ khi các hợp đồng vay biến thành nợ xấu. Đến tháng 10/2008, các định chế tài chính hàng đầu thế giới lâm vào tình trạng phá sản, mọi lĩnh vực kinh tế đều không tiếp cận được vốn vay. Đến nay các chính phủ đã bơm tiền để khuyến khích ngân hàng cho vay, song thị trường vẫn đóng băng.
Chính phủ Mỹ dự định mua lại các khoản nợ xấu bằng gói tài chính 700 tỷ USD, nhưng nay họ không làm nữa. Giá trị các trái phiếu này tại thị trường Mỹ trước đây được xác định khoảng 4.000-5.000 tỷ USD, đến nay Mỹ chưa có giải pháp nào. Khoảng 2.000 tỷ USD trái phiếu do Chính phủ Mỹ phát hành cũng sẽ khó bán, nên FED sẽ phải mua vào, thực chất là in thêm tiền. Việc này lại tạo thêm những hệ lụy. Nhìn chung, các chỉ báo kinh tế tại Mỹ, châu Âu và Nhật vẫn đang đi xuống.
Trung Quốc có lợi thế ở thị trường nội địa rộng lớn và lệ thuộc ít hơn vào thị trường nước ngoài. Họ đang chuyển hướng về nông thôn, và nếu chừng đó nông dân của Trung Quốc ăn nên làm ra, thì sẽ rất thuận lợi cho nền kinh tế của họ. Song ta cần quan sát thêm cách làm của Trung Quốc.
- Nhưng thị trường tài chính Mỹ đã có dấu hiệu tích cực, một số ngân hàng như Citigroup và Wells Fargo báo cáo lãi trong 3 tháng đầu năm nay?
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành (sinh năm 1932) hiện là nhà tư vấn chiến lược kinh tế cho Chính phủ. Ông từng là cố vấn cao cấp của nhiều tập đoàn đa quốc gia như AIG, KHM… Là một trong 19 cá nhân nhận giải thưởng "Vinh danh nước Việt" lần đầu tiên năm 2004. |
- Việc những ngân hàng Mỹ báo lãi chỉ là câu chuyện kế toán thôi. Citi nhận 45 tỷ USD hỗ trợ của Chính phủ Mỹ và được bảo đảm cho hơn 300 tỷ USD nợ khó đòi. Năm 2008 họ ghi sổ lỗ trên 20 tỷ USD. Các tài sản nhiễm độc được "khóa sổ" và không tính lại theo giá trị thị trường. Sang quý mới, họ báo lãi, là lãi trong riêng thời điểm này, do được Chính phủ bơm vốn và chưa tính tới số lỗ ghi trong sổ.
- Ông nói gì về con số trên 220.000 tỷ đồng vốn bù lãi suất 4% mà các ngân hàng trong nước báo cáo đã giải ngân trong vòng 2 tháng qua?
- Con số 220.000 tỷ đồng vốn cho vay đã giải ngân sẽ tương đương 17-18% dư nợ của hệ thống ngân hàng. Nhưng số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tổng dư nợ chỉ tăng thêm hơn 2%. Tôi cho rằng, vấn đề tiền giải ngân đi đâu và đảo nợ cần được quan tâm.
Đặt giả thiết có chuyện đảo nợ, trong trường hợp đó, ngân hàng vẫn được bù 4% lãi suất, mà lại "làm sạch" được nợ khó đòi trong báo cáo tài chính. Còn doanh nghiệp vay vốn và báo cáo là đưa vào vốn lưu động 8 tháng. Mà việc sử dụng vốn lưu động có đúng mục đích hay không thì kiểm soát không dễ.
Với các nền kinh tế, lãi suất tái cấp vốn và chiết khấu là những công cụ quan trọng để điều hành lãi suất cho vay trên thị trường. Khi ngân hàng trung ương các nước cung ứng vốn cho ngân hàng thương mại với lãi suất 1-2%, ngân hàng thương mại có thể cho vay với lãi suất 4-5% mỗi năm, mà không cần tới tiền hỗ trợ từ ngân sách để bù lãi suất.
Nếu đảo nợ có thật, mọi chuyện sẽ càng nguy hiểm hơn nếu những đồng vốn đó được chuyển hóa thành đôla để trả nợ cho các hợp đồng nhập khẩu trước đây. Theo chương trình của Chính phủ, doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn bằng tiền đồng, cho sản xuất kinh doanh và đầu tư mới. Thị trường ngoại hối gần đây nóng lên, trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu không lớn, cũng là câu hỏi cần có lời giải đáp.
- Diễn biến thị trường chứng khoán sôi nổi trong những ngày gần đây được cho vừa là tín hiệu của hồi phục kinh tế, vừa là kỳ vọng của giới đầu tư về khả năng này. Ông nghĩ sao về dòng tiền đang chảy vào thị trường chứng khoán?
- Tôi cho rằng cần kiểm tra dòng tiền này. Chưa thể loại trừ khả năng nguồn vốn từ các ngân hàng đã chuyển sang chứng khoán. Chỉ khoảng 5% nguồn vốn này chảy sang chứng khoán, cũng đã là đủ để "tung hoành".
Thực tế, dù có những phiên tăng điểm, nhưng không có cơ sở kinh tế vĩ mô cho chiều hướng đứng vững và không quay đầu trở xuống. Ngoài ra chứng khoán Mỹ vẫn trong xu thế đi xuống. Chứng khoán trên thị trường Mỹ đã mất 40-50% giá trị, và khi các ngân hàng báo cáo lãi thì mới có những ngày đi lên. Quan trọng là xem căn bản thị trường có những chỉ báo gì.
Ngọc Châu - Song Linh
No comments:
Post a Comment